LightBlog

Thí nghiệm hay lối thoát ?

Nhật Bản Today - Tuy cầm quyền lần thứ 2 ở Nhật Bản mới chỉ được nửa năm, thủ tướng Shinzo Abe đã chứng tỏ khác biệt cơ bản so với lần trước cả về nội dung chính sách lẫn phong cách cầm quyền.

Thí nghiệm hay lối thoát
Mức độ uy tín cao mà ông Abe hiện có được ở Nhật Bản cho thấy vị Thủ tướng này hiện chinh phục được sự tin cậy của cử tri và dư luận xã hội

Mức độ uy tín cao mà ông Abe hiện có được ở Nhật Bản cho thấy vị Thủ tướng này hiện chinh phục được sự tin cậy của cử tri và dư luận xã hội. Một trong những nguyên do cho thực tế ấy là thành công ban đầu của kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết được đặt cho biệt danh là Abenomics.

Khái niệm

Abenomics là khái niệm bao trùm cho định hướng chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe sau khi ông Abe lại một lần nữa trở thành người đứng đầu chính phủ ở Nhật Bản. Nó bao gồm những biện pháp nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế vĩ mô của Nhật Bản thể hiện ở ba trụ cột chính là chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá (tài chính và ngân sách) và chiến lược tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp chính sách cụ thể của Abenomics là thúc đẩy đầu tư của giới kinh tế tư nhân, tăng gấp đôi mục tiêu lạm phát (lên 2% hàng năm), giảm tỉ giá đồng bản tệ (đồng Yên), hạ thấp mặt bằng lãi suất, tăng mạnh mẽ khối lượng tiền tệ lưu hành trên thị trường tiền tệ (bơm tiền vào thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng), tăng đầu tư của nhà nước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mua về ồ ạt trái phiếu nhà nước và sửa đổi cả Luật về Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Theo ngôn từ khác, Abenomics phục vụ mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội bằng những chương trình tài chính kích cầu của chính phủ, nới lỏng chính sách tiền tệ (thông qua Ngân hàng Trung ương Nhật Bản) và cải cách cơ cấu (về kinh tế cũng như chính trị xã hội) để tăng cường khả năng cạnh tranh của Nhật Bản.

Những kết quả ban đầu

Những số liệu về tình hình kinh tế Nhật Bản trong thời gian qua tạo ấn tượng là Abenomics đã phát huy tác dụng và đưa lại kết quả ban đầu. Những mục tiêu cụ thể là tăng trưởng kinh tế cao hơn, đầu tư nhiều hơn và tiêu dùng gia tăng đều đạt được trong cách nhìn nhận là tốt hơn so với trước. Kinh tế Nhật Bản trong quý 1 năm nay tăng trưởng năng động hơn so với dự báo với mức độ 1% - cao nhất trong số các nước công nghiệp phát triển. Trong cùng thời gian ấy, kinh tế Đức tăng trưởng chỉ có 0,1% và Mỹ chỉ 0,6%. Các ngân hàng cấp phát tín dụng nhiều như năm 2009 và là dấu hiệu cho thấy giới kinh tế bắt đầu đẩy mạnh đầu tư. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã có những thay đổi cơ bản về nhân sự (thay thống đốc) và chức năng (nâng mục tiêu lãi suất, mua ồ ạt trái phiếu nhà nước, bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, lãi suất thấp, thậm chí lãi suất âm). Tỉ giá hối đoái của đồng Yên so với USD giảm mạnh với mức độ 25% trong tháng 5 vừa qua so với hồi đầu năm. Tâm trạng lạc quan về khả năng phục hồi và triển vọng tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản cũng thể hiện ở diễn biến trên thị trường chứng khoán.

Và rủi ro

Abenomics đạt được những kết quả tích cực ban đầu này có lý do trước hết ở sự kết hợp và tương tác giữa ba trụ cột nội dung nói trên. Đó là điều mà Mỹ và EU cho tới nay vẫn chưa làm được. Chuyên gia kinh tế Joseph E. Stiglitz, từng được trao Giải thưởng Nobel về kinh tế, minh hoạ nguyên nhân thành công này với hình ảnh: có thể bẻ gãy từng mũi tên, nhưng sẽ khó hơn hoặc không thể bẻ gẫy cả bó mũi tên. Một nguyên nhân thành công khác là quyết tâm của ông Abe và sự hậu thuẫn sâu rộng của giới kinh tế và dư luận xã hội. Có thể coi đó là thiên thời, địa lợi và nhân hoà cho ông Abe. Tuy nhiên cũng phải nói rằng ông Abe không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải đề xướng ra Abenomics và dân chúng cũng như giới kinh tế cũng gần như không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải chấp nhận Abenomics.

Tuy nhiên, Abenomics cũng bao hàm không ít rủi ro đối với Nhật Bản. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trên thực tế đã mất tính độc lập về pháp lý và chức năng cũng như có nhiệm vụ chính bây giờ là phục vụ chính sách của chính phủ chứ không phải chức năng trước hết là ổn định giá trị đồng bản tệ. Phá giá đồng Yên như thế không thể không gặp trắc trở với các đối tác khác vì khuấy động nguy cơ bùng phát chiến tranh tiền tệ. Nếu không kiểm soát được nguồn tiền dồi dào trên thị trường thì hậu quả rồi đây sẽ rất tai hại. Mua trái phiếu nhà nước ồ ạt như thế khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trở thành độc quyền trên thị trường. Một khi lãi suất tăng thì nợ của chính phủ sẽ còn tăng nhanh và nhiều hơn hiện tại. Thêm vào đó, nếu các cuộc cải cách cơ cấu kinh tế và chính trị xã hội không được thực thi kịp thời, triệt để và hiệu quả thì Abenomics sẽ không thể có được hiệu ứng cộng hưởng tác động.

Abenomics là cuộc thí nghiệm giải pháp quy mô chưa từng thấy ở Nhật Bản. Liệu nó có thật sự là lối thoát cho nước này ra khỏi tình cảnh khủng hoảng và khó khăn hay không thì phải hạ hồi mới phân giải được.

Share on Google Plus

About James