Nhật Bản Today - Tôi 21 tuổi, là sinh viên đại học năm 2 chuyên ngành xây dựng cầu đường, định đi lao động Nhật Bản nhưng nghe nói để đi được rất khó vì tuyển dụng ít. Liệu tôi có nên dừng việc học để đi xuất khẩu lao động? (phamthang188@)
- Tư vấn của chuyên gia Công ty Esuhai: Chào bạn. Các thông tin về chương trình làm việc tại Nhật, bạn có thể tham khảo tại đây.
Về việc có nên bỏ học để đi XKLĐ, theo chúng tôi, bạn mới 21 tuổi, còn rất trẻ và còn rất nhiều thời gian (ít nhất là 5 năm) để tham gia chương trình làm việc ở Nhật Bản bất cứ lúc nào.
Điều cần làm bây giờ là hãy xác định bạn muốn gì. Khi đã chán nản một điều gì thì chúng ta khó mà có thể làm tốt việc đó. Vì vậy, bạn cần giải quyết chính tinh thần của mình, để làm sao có được niềm đam mê với việc mình đang làm. Muốn vậy, trước hết hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn chán học. Theo chúng tôi, có thể do:
1) Bản thân bạn chưa tìm được phương pháp để thích nghi đã vội chán nản. Ở đây, có thể trong ngành học này bạn cảm thấy hơi lạ lẫm và chưa thích nghi được. Nó đòi hỏi bạn phải có những phương pháp tiếp thu mới, những kỹ năng mới so với việc học từ trước đến giờ. Tiếp xúc và thích nghi với những điều mới luôn là thử thách với con người vốn đã quen với những thói quen cũ. Và lâu dần, chưa tìm ra được cách học, bạn sẽ cảm thấy chán nản.
Nếu rơi vào trạng thái này, bạn hãy điềm tĩnh và mạnh dạn tham khảo những người bạn học tốt bộ môn này, mạnh dạn hỏi thầy cô hướng dẫn, tiếp thu thêm từ những tài liệu khác. Từ đó, bạn chắt lọc những kinh nghiệm, những phương pháp phù hợp với mình, thực hành thường xuyên, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Và đừng quên lên cho mình một kế hoạch học tập hằng ngày. Chỉ cần bạn có một thành công nho nhỏ trong việc học, bạn sẽ tự tin và yêu thích nó ngay.
2) Nếu tình trạng chán học là do những hoàn cảnh khách quan, như ngành học này không phù hợp với niềm đam mê, với tính cách con người của bạn; do lúc trước bạn chưa nghiêm túc với việc chọn ngành học/do gia đình áp đặt... bạn cần hỏi lại bản thân một lần nữa:
• Những điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì?
• Tại sao ngành học này không đem lại cho bạn sự yêu thích?
• Ước mơ của bạn trong 5 - 10 năm tới là gì?
• Kế hoạch tương lai của bạn như thế nào? Nó có phù hợp với con người và hoàn cảnh của bạn hay không?
• Bạn đã có những phương án nào để thực hiện kế hoạch đó?
Không phải chỉ ngồi học ở trường lớp mới gọi là học. Mà việc học là cả đời, thông qua mọi hoạt động, mọi việc làm của ta hằng ngày. Phải loại bỏ ý nghĩ: “Chán học quá! Phải ra đi làm thôi”. Nếu bạn dễ dàng chán học khi chưa tìm ra nguyên nhân và khắc phục, thì khi đi làm, đến một ngày bạn cũng sẽ nhanh chóng chán nản công việc. Vì trong công việc cũng đòi hỏi ta phải học hỏi không ngừng, và việc học này khó khăn hơn rất nhiều so với học qua trường lớp.
Còn nếu muốn sửa chữa sai lầm của mình ngày trước (chọn sai ngành), bạn nên trả lời cho mình những câu hỏi được đặt ra ở trên, tham khảo từ những người có chuyên môn, có kiến thức trong lĩnh vực bạn muốn theo để quyết định của bạn không còn cảm tính.
Nguồn: Tuổi trẻ Online