Nhật Bản Today - Ngày 22/6, núi Phú Sĩ với hình ảnh nổi tiếng tuyết phủ quanh đỉnh, biểu tượng văn hóa và được coi quốc hồn, quốc túy của xứ phù tang Nhật Bản đã chính thức được xếp trong danh sách di sản thế giới của UNESCO.
Dáng thế uy nghi của núi Phú sĩ là nguồn gốc nhiều nghi lễ trong Thần đạo vào Phật giáo ở Nhật Bản.
Phiên họp thường niên lần thứ 37, Ủy ban Di sản UNESCO sẽ phải xét duyệt 31 hồ sơ các địa danh tự nhiên và văn hóa để xếp vào danh mục di sản thế giới. Trước phiên họp, trong danh mục di sản thế giới của UNESCO đã có 962 cái tên ở 157 nước.
Phiên họp thường niên lần thứ 37 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra ngày 22/6 tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia, đã chính thức quyết định xếp núi Phú Sĩ cùng ruộng bậc thang Hồng Hà ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc và danh sách di sản thế giới.
Tài liệu xét tuyển của UNESCO ghi nhận về địa danh của Nhật Bản: "Núi Phú Sĩ, đỉnh núi lửa đơn độc tuyết phủ thường xuyên, nổi lên giữa khung cảnh làng mạc, biển, hồ được cây cối bao bọc, đã là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ, nhà thơ và cũng là điểm đến hành hương từ bao thế kỷ nay".
UNESCO đánh giá: "Hình nón gần như hoàn hảo của đỉnh Phú Sĩ tuyết phủ quanh đã tạo cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ đầu thế kỷ 19 tạo ra những hình ảnh vượt qua các nền văn hóa, giúp cả thế giới biết đến ngọn núi và có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển của nghệ thuật phương Tây".
Hạng mục được UNESCO xếp hạng bao gồm đỉnh núi xuống chân núi, 7 ngôi đền, những nhà lưu trú cho khách hành hương và một quần thể thiên nhiên linh thiêng như suối, thác nước...
Ngọn núi lửa Phú Sĩ nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 100 km về phía Tây - Nam, cao 3776 m. Sườn dốc phía nam của núi thoải dài ra tận bờ vịnh Suruga.
Phú Sĩ là địa danh thứ 17 của Nhật Bản được UNESCO xếp hạng di sản thế giới.