Nhật Bản Today - Các nhà đầu tư bán cổ phiếu đi vay nhằm tìm kiếm lợi nhuận bằng cách mua lại các cổ phiếu này ở mức giá thấp hơn và ăn chênh lệch sẽ được phép thực hiện giao dịch ở bất cứ mức giá nào.
Theo thông báo vừa được cơ quan quản lý Thị trường chứng khoán Nhật Bản đưa ra, bắt đầu từ tháng 11 tới, các qui định về việc bán khống cổ phiếu sẽ bắt đầu được nới lỏng.
Theo đó, các nhà đầu tư bán cổ phiếu đi vay nhằm tìm kiếm lợi nhuận bằng cách mua lại các cổ phiếu này ở mức giá thấp hơn và ăn chênh lệch sẽ được phép thực hiện giao dịch ở bất cứ mức giá nào, trừ khi cổ phiếu đó giảm 10% so với mức giá đóng cửa của phiên trước đó. Hiện tại, các bên bán khống không được phép bán cổ phiếu ở mức giá thấp hơn mức giá thấp nhất mà người mua đưa ra.
Các thay đổi về luật lệ lần này sẽ thay thế một loạt các qui định về bán khống được đưa ra bởi Cơ quan quản lý tài chính của Nhật Bản, trong đó có cả lệnh cấm bán khống nếu như không có tài sản đảm bảo (hay còn gọi là naked short) có hiệu lực từ tháng 10/2008.
Bên cạnh đó, người bán sẽ phải báo cáo lên cơ quan quản lý về vị thế bán khi khối lượng bán khống đạt 0,2% tổng số cổ phiếu phát hành. Đồng thời, họ phải gửi thông cáo khi tỷ lệ chạm mức 0,5%. Báo cáo và thông báo cho công chúng là điều bắt buộc đối với bất kỳ giao dịch nào có tỷ lệ trên 0,25%.
Makoto Kikuchi – CEO của công ty quản lý tài sản Myojo có trụ sở tại Tokyo – nhận định việc nới lỏng các qui định sẽ khiến việc bán khống trở nên dễ dàng hơn và tạo thêm thanh khoản cho thị trường. Đồng thời, qui định mới về báo cáo có thể khiến khối lượng công việc hành chính tăng lên.
Tính trung bình trong 30 ngày gần đây, bán khống chiếm khoảng 10% tổng giá trị cổ phiếu được giao dịch trên sàn Tokyo. Tỷ lệ tăng lên 11% nếu tính 5 ngày gần nhất, theo dữ liệu của Bloomberg.