Nhật Bản Today - Các khoản viện trợ không hoàn lại sẽ tập trung hỗ trợ những phụ nữ bán hàng rong một diện tích tại các khu vực chợ mới xây dọc hành lang kinh tế đi qua Battambang (Campuchia); Kayson Phomvihan (Lào) và Đông Hà (Việt Nam).
Tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, những người bán hàng rong tại 3 thành phố nhỏ dọc hành lang kinh tế đi qua Campuchia, Lào và Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận lớn hơn tới nguồn vốn tài chính vi mô và diện tích rộng rãi hơn để mở cửa hàng thông qua một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2,5 triệu USD từ Quỹ Giảm nghèo của Nhật Bản nhằm phát triển chợ mới và tăng cường nguồn tài chính hỗ trợ.
ADB sẽ quản lý khoản viện trợ không hoàn lại này, bổ sung thêm cho 3 dự án nâng cấp các thành phố nhỏ dọc hành lang kinh tế có tổng trị giá 220 triệu USD đã được phê duyệt trong năm 2012.
Ông Florian Steinberg, Chuyên gia cao cấp về Phát triển đô thị thuộc Tổng Vụ Đông Nam Á của ADB cho biết, “Dự án này đặt trọng tâm cụ thể vào việc hỗ trợ những phụ nữ bán hàng rong. Dự án sẽ riêng cho những người phụ nữ bán hàng rong một diện tích tại các khu chợ mới xây, giúp họ tiếp cận được những dịch vụ chăm sóc trẻ em hiện có của chính quyền địa phương và xây những khu vệ sinh riêng để đảm bảo họ có thể mưu sinh một cách an toàn.”
Ba khu chợ nhỏ sẽ được xây dựng tại các thành phố Battambang (Campuchia); Kayson Phomvihan (Lào) và Đông Hà (Việt Nam). Các thành phố này được lựa chọn trên cơ sở quy mô, sự gần gũi với sản xuất nông nghiệp, du lịch và thương mại biên giới.
Các nghiên cứu sẽ được tiến hành để xác định các sản phẩm nào phù hợp nhất với thị trường căn cứ trên nguồn cung hiện có, năng lực sản xuất và chuỗi phân phối. Sử dụng các tổ chức tài chính vi mô hiện có tại địa phương để xác định và quản lý các khoản vay.
Từ nay đến năm 2017 sẽ có tới 600 người bán hàng rong nghèo đủ điều kiện để được cung cấp các khoản vay nhỏ và được tập huấn và tư vấn về sản phẩm. Ít nhất 70% các khoản vay là dành cho các phụ nữ bán hàng rong.
Dự kiến thông qua việc mở cửa hàng tại các khu chợ mới, những người được hưởng lợi từ dự án tại 3 thành phố sẽ có mức thu nhập thực tế vào năm 2017 cao hơn so với mức họ có được vào năm 2013.
Dự án này nhằm thúc đẩy hơn nữa những lợi ích có được do phát triển các hoạt động sản xuất, thương mại và du lịch do Hành lang Kinh tế Đông – Tây đem lại. Trao đổi thông qua thương mại biên giới giữa các khu công nghiệp, các cơ sở dịch vụ hậu cần và các cơ sở khác trong chuỗi giá trị hàng hóa sẽ đem lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho những người hành nghề buôn bán tại các chợ này.