Nhật Bản Today - Đúng 15 năm kể từ lần đầu đặt chân tới đất nước Mặt trời mọc, tôi đã trở lại xứ sở này. Nhẩn nha đi dọc đất nước, tôi được trải nghiệm nhiều điều về văn hóa, con người và cách làm du lịch của người Nhật Bản...
Tiết kiệm từng phút
Từ sân bay Haneda, có nhiều phương tiện để di chuyển về trung tâm thành phố. Chúng tôi đã đi tàu điện ngầm nhanh mất 30 phút để về tới quận Shinjuku. Tàu điện là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Nhật Bản. Cứ 3 đến 5 phút lại có một chuyến tàu. Chuyến nào cũng đông nghịt người. Người Nhật Bản lên tàu thật trật tự. Tuyệt nhiên, trong 14 ngày lưu lại nước Nhật, tôi chưa từng thấy một tiếng chuông điện thoại vang lên trên các phương tiện công cộng. Và cũng không thấy ai gọi điện, hay nghe điện thoại.
Người đi bộ sang đường đúng quy định. |
Giờ làm việc tại Nhật bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc lúc 5h chiều. Nhưng hầu hết người Nhật đều ra khỏi nhà từ rất sớm để đến văn phòng. Họ không có thói quen đến sát giờ, chứ đừng nói là đi muộn. Hiro mà tôi quen sống ở thành phố Kawagoe thuộc tỉnh Saitama, nhưng làm việc tại Tokyo. Ngày nào cũng vậy, Hiro rời nhà lúc 6h30, di chuyển mất hơn 40 phút đi tàu đến chỗ làm (chưa kể thời gian di chuyển ra ga tàu và từ ga đến chỗ làm). Tới văn phòng mới ăn sáng, cafe và 8h30 đã bắt đầu trở lại văn phòng có nửa tiếng để chuẩn bị mọi công việc cho ngày mới để 10h đêm mới rời văn phòng trở về nhà. Vì Hiro theo dõi thị trường Việt Nam, nên thường 6h chiều phía Việt Nam mới gửi báo cáo trong ngày qua Nhật. Lúc đó, theo giờ Nhật đã là 8h tối. Hiro nhận và xử lý các báo cáo để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau. Hiro rời văn phòng lúc 10h đêm vì vậy. Lại hơn 1 giờ di chuyển để trở về nhà ăn cơm tối cùng mẹ. Dễ hiểu vì sao, tàu điện ngầm chạy liên tục, nhưng những ngày ở đây tôi thường thấy người Nhật đều tất tả chạy tàu, bởi lẽ họ tiết kiệm đến từng phút.
Du lịch ở Nhật
Nhật Bản có nhiều điểm du lịch thật hấp dẫn và cách làm tour của họ cũng đáng để ta học tập. Nếu ở Osaka, bạn có thể mua tour tự đi. Với giá vé chừng 700 yên/ngày (100 yên tương đương 18.000đồng), bạn có thể di chuyển đến hơn 10 điểm được cho là cần tham quan trong thành phố như: Đền Taihej nơi dừng chân thứ 13 của Đức Phật; lâu đài Osaka được xây bằng những tảng đá lớn cao 2,8m và dài tới 14m; hồ cá nhân tạo lớn nhất nhì thế giới; khu mua sắm hàng điện tử nổi tiếng Denden... bằng các loại phương tiện. Vé có giá trị đến 5h sáng hôm sau. Ở những điểm du lịch khác như Nagasaki, hay Kyoto cũng vậy.
Công viên Nhật Bản rực rỡ sắc hoa anh đào. Ảnh: Thanh Nga |
Nagasaki, nơi có Công viên Hòa bình và Bảo tàng Bom nguyên tử cũng là điểm luôn thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước. Hằng ngày, có hàng trăm học sinh từ các nơi trên nước Nhật đến tham quan, đặt hoa tưởng niệm. Còn đó, trong bảo tàng những mảnh vỡ của nhà thờ, cầu thang trường học, cặp lồng đựng cơm của những học sinh mang đến trường, những bộ quần áo bị sém cháy vì độ nóng và sức tàn phá của trái bom nguyên tử. Rồi hàng ngàn con chim hạc được treo thành từng dây cầu nguyện cho hòa bình. Mỗi hiện vật trong bảo tàng đều nói lên sự khốc liệt, chết chóc mà trái bom nguyên tử dội xuống thành phố vốn bình yên. 70 năm sau thảm họa đó, Nagasaki phồn thịnh hơn bao giờ hết. Sự sống và hòa bình luôn hiển hiện trên mảnh đất này. Nagasaki vẫn còn tàu điện chạy trên những tuyến phố nhất định. Với vé 500 yên, khách du lịch có thể sử dụng đi lại các điểm trong thành phố. Nagasaki cũng là một trong số ít thành phố của Nhật có khu phố của người Hoa (China Town). Ở đây, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán đều tổ chức lễ hội đèn lồng thu hút hàng nghìn khách du lịch đến thưởng lãm.
Ở Nagasaki còn có một điểm đáng tham quan đó là đảo Chiến hạm Gunkanjima. Đảo được gọi tên như vậy bởi trông nó giống một con thuyền chiến, trước đây là điểm khai thác than đá dưới lòng biển của Tập đoàn Mitsubishi cho đến năm 1971 thì dừng. Giờ Gunkanjima đã trở thành đảo hoang - là nơi quay bộ phim "Điệp viên 007", là điểm du lịch nổi tiếng.
Điều đáng nói ở đây là trước khi lên đảo, du khách được xem một bộ phim tài liệu ngắn về quá trình đưa đảo vào khai thác than đá và cuộc sống của những gia đình công nhân trên đảo. Du khách còn được hỏi: Nhiệt độ trên tàu có khiến mọi người lạnh không? Có ai cần chăn đắp không? Khi sóng lớn, du khách được các nhân viên của công ty du lịch hướng dẫn cách day huyệt để giảm bị say sóng. Hoặc được mời kẹo để mọi người ngậm cho quên đi cơn say... Trên đường trở lại đất liền, những người tổ chức tour còn tổ chức đố vui có thưởng tạo nên sự hứng khởi cho mọi người. Âu cũng là cách tổ chức tour rất chuyên nghiệp mà chúng ta cần học hỏi.
Thật thiếu sót nếu không nói đến những chiếc tủ để gửi đồ dành cho khách du lịch ở các ga tàu điện ngầm. Tại tất cả ga tàu điện ngầm lớn đều có những chiếc tủ để gửi đồ. Bạn có thể để vào đó hành lý là những ba lô, va ly kéo có trọng lượng từ 30kg đến 60kg. Có hai loại tủ nhỏ và to, giá từ 500 yên đến 700 yên. Vậy là bạn có thể yên tâm du lịch khắp thành phố trong vòng 24 giờ mà không bị vướng bận với khối hành lý cồng kềnh.
Văn hóa xếp hàng
Trong những ngày lưu trú ở Nhật, đâu đâu cũng thấy cảnh xếp hàng như thời bao cấp của chúng ta. Lên tàu xếp hàng; ăn trưa, ăn tối xếp hàng; cà phê cũng xếp hàng; mua bánh xếp hàng... và xếp hàng thực sự trở thành văn hóa của người Nhật. Buổi trưa nếu bạn muốn tạt vào đâu đó để ăn trưa, chắc chắn bạn phải xếp hàng. Vì nhà hàng của Nhật diện tích không lớn lắm nên bạn phải chờ chừng 20 đến 30 phút, người khác ra bạn mới có chỗ để vào ăn.
Một buổi chiều tôi lang thang chơi ở thành phố cảng Kobe thì trời mưa. Chúng tôi quyết định chọn hàng cà phê vừa để nghỉ vừa để tránh mưa. Nhưng lòng vòng nửa tiếng mới tìm được một chỗ và phải xếp hàng chừng 30 phút mới có chỗ ngồi. Đợi thêm 20 phút nữa, bánh và đồ uống mới được mang ra, vì bánh lúc đó mới được làm cho ngon. Tất cả đều trật tự, không chen lấn xô đẩy, không ồn ào. Cũng vì như vậy nên các cửa hàng ăn trưa, ăn tối (trừ chỗ chuyên nhậu) hầu hết mọi người ít uống rượu bia, vì ngoài cửa còn nhiều người xếp hàng chờ. Khi di chuyển trong thang cuốn ở những nơi công cộng, người Nhật cũng rất trật tự. Bạn phải đứng về bên phải cùng hành lý. Phía bên trái dành cho những người đang vội, cần di chuyển nhanh.
Trẻ em ở Nhật được giáo dục tính kỷ luật, ngăn nắp và tự lực cánh sinh từ tấm bé. Nửa tháng ở Nhật, tôi chưa thấy một em bé nào phải để cha mẹ dỗ dành từ miếng ăn. Tôi đã thấy những đứa bé chừng 2 tuổi, chúng cũng phải đeo ba lô nhỏ vừa với lưng, trong đựng ít quần áo hoặc chai nước, hộp sữa. Chúng tự đi, chỉ khi nào mỏi mới được đặt lên xe đẩy. Trên tàu xe, nếu chúng có ê a hoặc đùa to tiếng, lập tức được cha mẹ ra dấu nên yên lặng. Tại chùa Asakusa, từng tốp em nhỏ chừng 4 tuổi nắm đuôi áo nhau đi tham quan trong sự chỉ dẫn của thầy cô cũng thật trật tự và kỷ luật. Tất cả đều được dạy dỗ từ bé một cách chu đáo, khoa học. Dường như đó chính là những lý do mà hôm nay chúng ta nhìn thấy một nước Nhật người người đều lao động miệt mài với tinh thần hăng say, trách nhiệm.
0 comments:
Post a Comment