Nhật Bản Today - Mục tiêu của chính sách kinh tế dưới chính quyền mới của Thủ tướng Shinzo Abe lặp lại chính sách cải cách chính trị, kinh tế, nhằm đưa nước Nhật trở lại thành cường quốc khu vực.
CôngThương - Nới lỏng tiền tệ, vượt qua giảm phát
Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã có chủ trương tăng cường nới lỏng tiền tệ từ tháng 2/2012, khi kinh tế chưa ở mức chạm đáy và chủ trương thận trọng với mục tiêu vừa phải: tăng 1% lạm phát đến cuối năm 2012. Giảm phát cả năm 2012 trung bình là -0.3% và cuối năm 2012 vẫn chìm ở -0.1%, thậm chí đã rớt xuống -0.3% tháng 1. Đánh giá việc nới lỏng đó “chưa đủ”, ông Abe đặt ra mức tăng lạm phát 2%.
BOJ đã phải đồng ý tăng thêm 10 nghìn tỷ yên cho chương trình mua lại tài sản của Chính phủ (91 nghìn lên 101 nghìn tỷ yên). Sau đó, BOJ tiếp tục các cam kết bơm tiền mạnh bạo vào lưu thông, như kéo dài mua “không hạn chế” chương trình mua các tài sản tài chính từ năm 2014 (kế hoạch trước là hết năm 2013), đồng ý mục tiêu lạm phát 2% trong 2 năm. Thống đốc và các Phó Thống đốc BOJ mới đăng nhiệm từ đầu tháng 4 đều do Thủ tướng và Chính phủ đề cử, ủng hộ và đồng quan điểm trên. Ông thống đốc mới còn tuyên bố làm tất cả những gì có thể để chấm dứt giảm phát trong hơn thập kỷ, hướng tới tăng thêm 50 nghìn tỷ yên cho các chương trình mua tài sản tài chính và hỗ trợ cho vay trong một năm tới (năm tài chính 2013). Song song đó, các ngân sách bổ sung: năm 2012 mức 13,1 nghìn tỷ yên, năm tài chính 2013 là 92,61 nghìn tỷ yên và tạm thời cho năm nay là 13,2 nghìn tỷ yên - đều ở mức lớn kỷ lục trong lịch sử và được thông qua trong những tháng ngay sau khi Chính phủ mới nắm quyền.
Những chiều hướng lạc quan của kinh tế Nhật đã kích thích chi tiêu tư nhân trở lại
Nhiều kết quả khả quan
Đánh giá nổi bật của các nhà phân tích, của dư luận, và báo chí về kinh tế Nhật hiện nay là“Đất nước mặt trời mọc đang thức dậy” hay “Nền kinh tế thứ ba đang ra khỏi giấc ngủ dài”và Nhật Bản “Đã bước vào con đường phục hồi toàn diện”.
Nhiều nguồn đánh giá có uy tín đều cho rằng Nhật đã vượt qua suy thoái trong quý I/2013. GDP tăng gần 0.9%, cao hơn kỳ vọng 0.5%.
Nếu như tháng 3 và tháng 4, đánh giá lĩnh vực chủ chốt như chi tiêu tư nhân, đầu tư tư nhân và sản xuất công nghiệp đều ở mức “có dấu hiệu tăng lên”, thì cuối tháng 5 đã chuyển sang “đang tăng lên”, tuy vẫn còn chậm.
Chính sách nới lỏng tiền tệ và chi tiêu mạnh bạo đã giảm giá đồng yên đến 22% từ tháng 12/2012. Nếu so với 75 yên/USD cuối 2011 và 103 yên/USD vào giữa tháng 5/2013, thì tỷ lệ giảm đến 30%.
Những chiều hướng lạc quan trên đã kích thích chi tiêu tư nhân trở lại và lĩnh vực xuất khẩu phục hồi mạnh. Các dự báo tương lai phát triển cũng cho thấy xu hướng khả quan. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật, GDP sẽ là 2.3-2.5% cho 2013 và 1.7-1.8% cho 2014. IMF cũng nâng dự báo GDP năm 2013 tăng 1.6% và 2014 là 1.4%. Tuy nhiên, kinh tế Nhật sẽ tiến triển ra sao còn phụ thuộc khá lớn vào sự phát triển của kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ, Trung Quốc và châu Á.
Quan hệ Việt - Nhật
Đối với Việt Nam, những chuyển động mới trong đối ngoại của Nhật sẽ vừa tạo ra cơ hội, đồng thời cũng tạo ra thách thức. Hiện tại, quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp trên cơ sở gắn bó và lòng tin ngày càng được củng cố giữa hai dân tộc và hiện nay giới kinh doanh Nhật đang tiếp tục đánh giá Việt Nam là thị trường có sức hấp dẫn cao vì sự ổn định và có thể phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, với xu hướng mở rộng quan hệ mạnh mẽ của Nhật hiện nay, nếu Việt Nam không kịp thời tạo dựng một môi trường thuận lợi về quản lý, về thủ tục hành chính, minh bạch tài chính; có cơ sở nền tảng để phát triển lâu dài như năng lực công nghiệp phụ trợ; hệ thống dịch vụ ngân hàng hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn và có mạng lưới liên kết tài chính quốc tế đủ mạnh; lực lượng lao động có trình độ, có ý thức tổ chức; có cơ sở khoa học công nghệ đủ trình độ đón nhận đầu tư lớn với công nghệ cao của Nhật…, thì cơ hội đón nhận hợp tác kinh tế, đầu tư và chuyển giao công nghệ sẽ giảm sút và chuyển sang các thị trường tiềm năng khác.
Đồng thời, để chuyển đổi cơ cấu, khác với trước, Nhật cũng đang tính đến chuyển gần như toàn bộ, hay một phần cơ bản sản xuất và công nghệ của một số ngành công nghiệp ra nước ngoài. Đây cũng là một cơ hội lớn, cũng là một thách thức nếu Việt Nam không sẵn sàng tranh thủ được cơ hội này.
Nhật cũng đang bắt đầu chủ trương nới lỏng các hạn chế để tăng mạnh đầu tư và tham gia kinh doanh từ nước ngoài. Nhật đã tham gia TPP, FTA, sắp tới cũng sẽ từng bước cải cách sản xuất nông nghiệp - bộ phận được bảo hộ lớn nhất của Nhật; xây dựng các khu kinh tế đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài; nới rộng và đi đến tự do hóa từng bước khu vực dịch vụ; thay đổi quy chế nhập cư để tăng giao lưu và nhân lực, giáo dục từ nước ngoài vào. Đó cũng là những cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật. Để đáp ứng, thách thức đối với chúng ta là phải kịp thời hoạch định các ngành, nghề, lao động mà ta có lợi thế, có đủ khả năng thành “mũi nhọn” liên kết với các công ty Nhật để nắm bắt cơ hội mở cửa lâu dài này của thị trường Nhật.
Về chính trị đối ngoại, Nhật sẽ tăng cường can dự mạnh mẽ hơn vào các vấn đề quốc tế ở châu Á và trên thế giới. Việc tìm hiểu kỹ các chính sách, quan điểm của Nhật, yêu cầu của Nhật cũng như các vấn đề liên quan là rất quan trọng để củng cố, thúc đẩy quan hệ chính trị đối ngoại cũng như an ninh song phương, làm nền tảng cho các quan hệ kinh tế và văn hóa khác phát triển. Hiện nay, trong quan hệ với Nhật, không thể chỉ nghiêng về khía cạnh kinh tế, phát triển.
Việt Nam vẫn coi Nhật là đối tác hàng đầu về phát triển, do vậy cần tính đến một cơ chế, tổ chức riêng, có đủ thẩm quyền, khả năng, nhân lực để điều hành thống nhất các chính sách trong quan hệ, nhằm tranh thủ tốt nhất và kịp thời trước những nhu cầu của hai bên một cách toàn diện. Nếu Việt Nam lập một cơ quan, tổ chức chuyên trách về quan hệ với Nhật sẽ giúp ích rất lớn cho việc liên kết kinh tế với với nước này có một quy hoạch hiệu quả nhất, thu hút đầu tư và thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến của Nhật, phục vụ cho phát triển lâu dài của đất nước.