LightBlog

Giáo sư Hirosi Isiguto nhà sáng chế người máy

Nhật Bản Today - Từ bé, Hi-rô-si I-si-gu-tô đã mê hội họa. Tuy mơ ước tuổi thơ không thành hiện thực, nhưng óc tưởng tượng tiếp tục hướng ông vào việc thiết kế rô-bốt - những trợ lý bằng máy. Có rô-bốt công nghiệp, rô-bốt quân sự, nhưng ông chuyên về người máy - những rô-bốt có hình dạng và hoạt động được sao chép từ chính con người. Và giờ đây, giáo sư Hi-rô-si I-si-gu-tô đang say sưa chứng minh: sự đồng tồn tại của người máy và người thật ngỡ như chuyện viễn tưởng, nhưng đang tiến đến rất gần.

Giáo sư Hi-rô-si I-si-gu-tô nhà sáng chế người máy
Giáo sư Hi-rô-si I-si-gu-tô
Con người là nguyên mẫu
Ðang còn là sinh viên, Hi-rô-si I-si-gu-tô đã sáng chế được người máy trợ giúp người khiếm thị, tiếp đó nhiều công nghệ do ông phát kiến liền được đưa vào ứng dụng tại những hãng điện tử Nhật Bản khổng lồ, trong đó có "Mitsubishi Heavy Industry", mang lại cho tác giả niềm tin vào con đường mình đã chọn.
Hi-rô-si I-si-gu-tô đã từng chế tạo người máy "Repliee R1" giống hệt một cô bé Nhật Bản năm tuổi, đầu có thể quay theo chín hướng và cánh tay có thể ra hiệu. Bên dưới làn da cánh tay bên trái của "bé máy" có gắn bốn cảm biến xúc giác với độ nhạy cao, nên bé có thể phản ứng tùy theo cường lực của người đụng chạm. Rồi giáo sư tổ chức liên tiếp những cuộc trình diễn người máy.
Năm 2005, "Repliee Q1" - một "bóng hồng", bên trong làn da si-li-côn dày 5 mm có 31 cơ cấu truyền động được máy nén khí cấp lực và được lập trình để cử động giống người. Tuy chỉ có thể ngồi nhưng cô biết chớp chớp hàng mi, nhúc nhắc đôi tay và nhè nhẹ thở...
Năm 2006, "Geminoid Hi-1", cao 1,75 m, hoàn toàn giống... chính ông - từ ngoại hình, cử động đến giọng nói, chớp mắt, cử động bàn tay, bồn chồn lo lắng, thậm chí thở và hơn thế, còn sao chép cả một vài... tật xấu của bản thân nữa. Ông muốn thử nghiệm phát minh này để thay mình, trong trường hợp phải đi công tác vắng vẫn đứng lớp ở Trường đại học Ô-xa-ka, thuyết trình trước hội nghị, hướng dẫn tham quan triển lãm...
Năm 2010, "Geminoid-TMF" - người máy xinh đẹp tóc nâu, váy đen - được lập trình trên cơ sở phân tích mọi hoạt động của một cô người mẫu hai mươi tuổi... Nhờ 42 hệ truyền động siêu nhỏ và các cảm biến, nàng có thể xoay trở và phản ứng như một con người trước những động thái của chung quanh. Nàng chớp chớp hàng mi và cử động chân tay khá yểu điệu thục nữ... Khi cười, nàng biết hé môi, để lộ hàm răng ngọc, thậm chí, nàng còn tỏ ra là mình đang nhíu mày suy nghĩ và nhè nhẹ thở. Xem thử nghiệm, cô nguyên mẫu đã thốt lên rằng mình như có thêm một cô em song sinh. "Geminoid-TMF" được đưa vào thực tập tại một bệnh viện Nhật Bản để làm bạn và an ủi bệnh nhân trong những ngày điều trị. "Tiền cưới treo" một nàng "Geminoid-TMF" ước khoảng 10 triệu yên (trên dưới 120.000 USD).
Cho đến bây giờ, phòng thí nghiệm của giáo sư Hi-rô-si I-si-gu-tô đã có ba người máy giống hệt người thật, "Geminoid Hi-2" (sao chép chính ông, giá khoảng một triệu USD, và chi phí cho nó mỗi năm khoảng 300.000 USD), "Geminoid F" (rẻ hơn, giá khoảng 100.000 USD, giống hệt một phát thanh viên truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản) và "Geminoid DK" (sao chép một người đồng nghiệp thân thiết của tác giả - giáo sư Hen-rích Trác-phơ ở Ðại học A-an-boóc, Ðan Mạch). Còn nữa - đã có một số người máy vũ công, giá từ 50.000 đến 100.000 yên. Giáo sư tiết lộ: Sau khi tạo ra người máy phiên bản của chính mình, ông đã tạo ra một người máy nữ hoàn toàn giống cô bạn gái của mình - một phụ nữ Nhật gốc Nga rất dễ thương, tuy nhiên, ông có tôn chỉ nghề nghiệp nghiêm túc: Người máy không hoạt động tình dục thay thế người thật.
Ðiều chỉnh hướng đi
Hiện những người máy đã có còn khá vụng ngượng trong di chuyển, chưa thể độc lập suy nghĩ và đoán định bởi chưa được trang bị trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên, biết nói năng ngắn gọn hơn người thường và không bao giờ nhầm lẫn. Sau nhiều sáng chế, giáo sư Hi-rô-si I-si-gu-tô thấy cần phải định hướng lại: giảm bớt độ giống nhau về diện mạo giữa người mẫu và người máy, làm ra những người máy có kích thước nhỏ hơn, chân tay ít gợi cảm hơn và gương mặt không còn gợi đến gương mặt một con người cụ thể nữa, mặc dù các đường nét chính vẫn sao chép từ người mẫu.
Ông đang nghĩ cách tổ chức một vở kịch có sự tham gia của nữ diễn viên máy. Ðấy sẽ là một diễn viên lý tưởng, xinh đẹp hơn và lạ mắt hơn nữ diễn viên thật, không cần qua tập dượt, có thể phác ra vô số cử chỉ, về phản xạ thì bất ngờ hơn người thật... Ông nêu một chủ trương đáng trọng: "Con người trong thế kỷ 21 đã đạt tới nhiều tầm cao nhận thức, song hầu như chưa biết gì về mình. Ngay khi nhìn vào trong gương, phải - trái lẫn lộn, vậy mà ta cứ tưởng đó chính là diện mạo của mình... Phải làm sao cho sản phẩm càng ra đời sau càng diễn đạt thật hơn những cảm xúc của con người. Tôi không ngừng chế tạo và hoàn thiện những người máy mới - ông tâm sự, - cũng là nhằm hiểu rõ thế nào là con người, chứ không chỉ nhân danh phát triển công nghệ".
Giáo sư Hi-rô-si I-si-gu-tô đứng thứ 26 trong danh sách 100 thiên tài hiện sống do hãng tư vấn quốc tế Creators Synectics công bố. Sinh năm 1963, bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ mạng năm 1991, hiện làm việc cho những trường đại học hàng đầu của Nhật Bản và Hoa Kỳ, đồng thời lãnh đạo Phòng thí nghiệm Hi-rô-si I-si-gu-tô của Viện Nghiên cứu Tiến bộ Viễn thông quốc tế ATR, ông là cha đẻ của hàng loạt người máy và đang tiến hành nghiên cứu cơ bản về trí tuệ nhân tạo.
* Ở Nhật Bản, giá cả rô-bốt không là vấn đề quan trọng, bởi đó là sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học do nhà nước bảo trợ. Năm học tới đây, rô-bốt sẽ được chính thức đưa vào chương trình học tập trong trường phổ thông với nhiệm vụ chủ yếu nhằm phát triển khả năng tư duy lô-gích trong học sinh. Chi phí cho một học phần để sử dụng rô-bốt tích cực vào khoảng 30.000 yên (tương đương 8,2 triệu đồng). Mặt khác, rô-bốt đối với trẻ con cũng là thứ đồ chơi dẫn dắt các em hào hứng đi vào thế giới khoa học.
Giáo sư Hirosi Isiguto nhà sáng chế người máy 2
Ba cặp người máy và nguyên mẫu.

Share on Google Plus

About James